Tổng quan về peridot

Rate this post

Peridot là biến loại đạt chất lượng ngọc của khoáng vật olivine. Chúng có màu sắc từ vàng lục đến lục oliv hay lục phớt nâu. Màu đẹp và có giá trị cao nhất là lục oliv.

Theo tiếng Hi Lạp peridot có nghĩa là sung túc. Chúng còn được mệnh danh là ngọc lục bảo lúc chiều tà vì chúng sở hữu sắc xanh lục nhạt, chúng không tối trong ban đêm và vẫn có thể nhìn thấy được dưới ánh nến. Chúng có màu sắc từ vàng lục đến lục oliv hay lục phớt nâu. Màu đẹp và có giá trị cao nhất là lục oliv.

Thông tin chung

Tên khoáng vậtOlivine
Công thức hóa học(Mg, Fe2)SiO4
Cấu trúc tinh thểHệ trực thoi
Màu sắcVàng lục, lục oliv, lục phớt vàng, lục vàng phớt nâu
Tỷ trọng3.27 – 3.37
Chiết suất1.654 – 1.690
Độ cứng6.5 – 7
Phát quangKhông
Các kiểu chế tác của peridot
Hình 1: Các kiểu chế tác của peridot

Nguồn gốc

Peridot có 2 kiểu nguồn gốc. Kiểu thứ nhất liên quan đến bazan kiềm. Chúng hình thành ở tầng manti trên, nằm trong các thể ngoại lai của bazan kiềm. Kiểu thứ hai là nguồn gốc ngoài Trái Đất. Kiểu nguồn gốc này rất đặc biệt. Những viên peridot được đưa đến Trái Đất từ những thiên thạch. Chúng tồn tại trong Pallasite, Nó được cho là đã hình thành trong các tiểu hành tinh bao gồm một lõi sắt -niken và lớp vỏ silicat.

Peridot có nguồn gốc ngoài Trái Đất
Hình 2: Peridot có nguồn gốc ngoài Trái Đất

Ngày nay, phần lớn peridot được khai thác ở khu bảo tồn San Carlos, bang Arizona Mỹ, và một lượng lớn ở Trung Quốc. Những viên đẹp, cỡ lớn được tìm thấy ở Myanmar. Năm 1994, một mỏ lớn với chất lượng tốt được phát hiện tại vùng phía tây dãy núi Hi Mã Lạp Sơn, lãnh thổ Kashmir thuộc Pakistan, ở độ cao hơn 4500 m so với mực nước biển. Ở Việt Nam, Peridot thường được tìm thấy ở những vùng đất đỏ Bazan như Lâm Đồng, Gia Lai.

Bản đồ phân bố peridot trên thế giới
Hình 3: Bản đồ phân bố peridot trên thế giới

Xử lý và tổng hợp

Peridot thường không được xử lý hoặc tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, có một vài báo cáo nói về peridot được phủ các lá kim loại lên để tăng cường sự ổn định, và một vài viên đá nhạt mầu có thể được phủ với lá màu lục để tăng cường màu.

Gần đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu – Kiểm định Đá quý và Vàng tiến hành xử lý làm tăng vẻ đẹp cho peridot Việt Nam . Do chúng thường bị nhuốm màu nâu nên có thể dùng phương pháp xử lý nhiệt để làm sạch màu nâu và chỉ giữ lại màu thân đá (body color).

Ứng dụng

Peridot có độ cứng trung bình 6.5 – 7 (Mohs) phù hợp để lên trang sức như hoa tai, vòng, nhẫn,… sử dụng làm tranh đá quý. Tuy nhiên độ cứng không quá cao nên đòi hỏi cần phải bảo quản một cách cẩn thận. Nếu để chung với các loại đá khác sẽ dễ bị xước và mất độ bóng của mặt đá.

bộ trang sức peridot
Hình 5: Bộ trang sức peridot

Các loại đá dễ nhầm lẫn với peridot

Các loại đá có màu xanh có demantoit, zircon, saphia vàng, chryzoberin, sinhalit, tuamalin, topar, berin, opsidian (mondavit). Tuy nhiên peridot dễ nhận biết bởi màu lục vàng đặc trưng với lưỡng chiết mạnh (đây là một đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt) ở những viên mài dày ta có thể quan sát được hiệu ứng nhân đôi thậm chí ngay cả bằng mắt thường.  Màu giống như màu lục oliv chỉ thấy trong thuỷ tinh giả.

Các loại đá màu xanh lục
Hình 6: Các loại đá dễ nhầm lẫn với peridot

Peridot Việt Nam

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nguồn khai thác chính. Giống như các khu vực khác, peridot Việt Nam có hàm lượng sắt cao nên màu chủ đạo là màu lục phớt vàng. Chúng được tìm thấy vào những năm 1990 và đã được khai thác từ ba tỉnh ở Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng. Hiện nay peridot chỉ còn được khai thác tại Gia Lai, với hai mỏ chính là Hàm Rồng và Biển Hồ. Hai mỏ này khai thác hơn 100 kg mỗi tháng; trong đó, 15% –20% là đá quý có chất lượng cao. Đồ trang sức peridot nguồn gốc Việt Nam đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế trong hơn một thập kỷ.

Peridot Việt Nam
Hình 7: Peridot Việt Nam

Ý nghĩa phong thủy của peridot

Đá Peridot được xếp vào đá mừng sinh nhật tháng 8 – tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng. Nó thể hiện nét hiền hoà lãng mạn của người mang nó. Màu xanh được tạo ra bởi nguyên tố Sắt. Chúng tượng trưng cho sức sống và niềm hi vọng.

Peridot - biểu tượng của chòm Song Ngư
Hình 8: Peridot – biểu tượng của chòm Song Ngư

Trong cung hoàng đạo, peridot là biểu tượng của chòm sao Song Ngư. Năng lượng chiếu xạ của dương ảnh hưởng tới luân xa vùng đám rối dương. Ảnh hưởng tới gan, lá lách và những cơ quan khác của hệ tiêu hóa. Luân xa này có liên quan đến ý chí, chi phối cảm xúc và trí tưởng tượng của những người trong cung này.

Đá Peridot màu Xanh là màu hành Mộc (cây) nên phù hợp với người mang mệnh Hỏa vì mộc sinh hỏa.

Các truyền thuyết về peridot

Ở Hawaii, tương truyền rằng Pele là nữ thần lửa, sét, gió và núi lửa, con gái của thần Kane. Vị nữ thần này thường xuyên kết nạp những chàng trai mạnh khỏe trở thành “người tình” của mình.

Tuy nhiên, sau khi chán ghét, nữ thần sẽ dùng nham thạch trong lòng núi lửa để thiêu và giết tất cả. Sự ác độc trên đã khiến bà trở lên cô độc. Khi nhận ra tội lỗi, vị nữ thần đã khóc. Những giọt nước mắt đó chính là những viên Peridot. Chúng được hình thành từ lòng đất, dưới nền nhiệt lớn của những trận phun trào núi lửa liên tục không ngừng nghỉ trong hàng trăm năm. Bởi thế Peridot gắn liền với cái tên – “Giọt nước mắt nữ thần”.

Peridot – Giọt nước mắt của nữ thần Pele
Hình 9: Peridot – Giọt nước mắt của nữ thần Pele

Một truyền thuyết khác kể về đá Peridot nằm trên đảo Zeberget của Ai Cập cổ đại. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài rắn độc và việc khai thác đá quý rất khó khăn. Sau đó một vị Pharaon đã xuất hiện, dùng sức mạnh của mình xua đuổi hết lũ rắn độc ra biển. Kể từ đó việc khai thác đá Peridot trở thành một nghề tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

did something