Tổng quan chung
Khoáng vât: | Corundum |
Công thức hóa học: | Al2O3 |
Màu sắc: | Đỏ, đỏ phớt cam, đỏ phớt tím |
Đa sắc: | Mạnh |
Chiết suất: | 1.762-1.778 |
Hệ tinh thể: | Sáu phương |
Độ cứng: | 9 Mohs |
Tỷ trọng: | 4,00 |
Phát quang: | Phát quang đỏ |
Tên gọi ruby bắt nguồn từ tiếng La Tinh “rubeus” có nghĩa là mầu đỏ. Giống như Sapphire, Ruby là một biến loại khác của Corundum. Mầu đỏ của ruby là do sự có mặt của nguyên tố vi lượng crom (Cr3+). Nếu chỉ có mặt riêng Cr thì ruby sẽ có mầu đỏ tinh khiết (hình 1). Tuy vậy, ngoài crom trong ruby thường có mặt cả sắt (Fe), titan (Ti) và các nguyên tố khác nữa làm cho ruby sẽ có các sắc thái mầu khác nhau (phớt tím, phớt da cam…)
Phân bố
Xử lý tổng hợp
Xử lý
Ruby cũng được xử lý nhiệt để cải thiện màu và tăng độ tinh khiết; kết hợp với xử lý nhiệt khuếch tán làm tăng cường độ màu cho viên đá. Ngoài ra phương pháp xử lý thủy tinh chì cũng là một phương pháp xử lý hay gặp ở ruby.
Người ta dùng thủy tinh pha chì có chiết suất tương tự corundum để hàn các khe nứt trong viên đá, làm tăng độ tinh khiết đáng kể. Thủy tinh chì sẽ lấp đầy các lỗ trống và vết nứt trong viên đá làm cho các vết nứt biến mất (cùng chiết suất) hoặc khó nhìn thấy. Những viên xử lý thủy tinh chì thường có màu đỏ tím, độ trong suốt thấp từ mờ đến bán trong.
Các dấu hiệu nhận biết ruby bị xử lý thủy tinh chì là các bọt khí, các chất ngoại lai (thủy tinh chì) và hiệu ứng nhấp nháy theo các khe nứt. Thủy tinh chì dễ bị biến đổi hoặc hòa tan khi gặp các dung môi hoặc hóa chất mạnh
Tổng hợp
Trong các loại đá quý thì ruby và sapphire là 2 loại được tổng hợp sớm nhất. Từ thế kỷ 19 các kỹ thuật tổng hợp khác nhau được áp dụng như : phương pháp Veinuil, phương pháp chất trợ dung, phương pháp nhiệt dịch,…
Để phân biệt ruby tự nhiên và ruby tổng hợp người ta chủ yếu dựa vào các đặc điểm bên trong của chúng như các dấu hiệu sinh trưởng, các bao thể… các dấu hiệu để phân biệt ruby tự nhiên nói chung bao gồm:
– Các bao thể khoáng vật (và tinh thể): rutil, zircon, apatit, calcit, dolomit, spinel, pyrit,…
– Các bao thể lỏng: các khe nứt được lấp đầy, tinh thể “âm”, các ống rỗng (hoặc lấp đầy bởi bơmit), các bao thể khí – lỏng hai pha, đôi khi là ba pha.
– Các đặc điểm sinh trưởng: song tinh dạng tấm, các đới sinh trưởng và đới mầu.
Ứng dụng
Ruby được mệnh danh là vua đá màu. Từ xa xưa chúng đã được sử dụng như một thứ trang sức xa xỉ chỉ có các bậc vua chúa mới có thể sử dụng. Đến ngày nay, ruby vẫn chưa đánh mất vị trí của mình trên thị trường, thậm chí còn được củng cố vững chắc hơn.
Những bộ trang sức được gắn ruby mang lại vẻ sang trọng, quyền lực cho người đeo chúng.
Những viên ruby nổi tiếng
Thế giới
Chaiyo Ruby (448 triệu USD), nặng 109.000 carat. Hiện nay không ai biết viên ruby này đang ở đâu. Có thông tin cho rằng chúng đã bị quân đội Myanmar đánh cắp do sự tranh chấp sở hữu giữa Myanmar và Thái Lan. Nhưng tất cả chỉ là tin đồn.
The Sunrise (670 tỷ đồng)
Được mang ra từ bộ sưu tập đá quý và trang sức của Cartier, được bán đấu giá vào tháng 5 năm 2015. Chúng được tách ra từ viên đá chủ nặng 25,59 carat.
Sở dĩ The Sunrise đạt được mức giá cao như vậy là do nó màu “máu bồ câu”, loại màu đẹp nhất dành cho ruby, đồng thời có khối lượng lớn nhất từ trước đến nay. The Sunrise đã phá vỡ kỷ lục viên đá quý đắt nhất từ trước đến nay.
Việt Nam
Ruby Ngôi sao Việt Nam
Ngôi sao Việt Nam nặng 2,58kg được khai thác tại mỏ Tân Hương. Một mảnh nhỏ của của viên này nặng 290 carat được bán đấu giá năm 1999 có giá trị 290.000 USD. Mỏ Trúc Lâu là nơi khai thác được viên ruby sao nặng 1.96kg và cũng được coi là báu vật Quốc gia.
Ở Quỳ Châu khai thác được viên ruby nặng 56 carat, có màu đỏ máu bồ câu, trong suốt, không hề rạn nứt, được tìm thấy từ mỏ Đồi Tỷ. Năm 1994, viên này được một công ty Thái Lan mua lại với giá 562.000 USD.
Ruby Việt Nam
Ruby Viêt Nam được phát hiện lần đầu tiên ở An Phú, Lục Yên vào năm 1983. Sau này, Ruby được tìm thấy ở nhiều địa phương khác như Quỳ Châu – Quý Hợp (Nghệ An tỉnh). Tuy nhiên, Yên Bái vẫn là nơi có chất lượng ruby cao nhất.
Ngay từ những ngày đầu những viên hồng ngọc này đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường quốc tế. Ruby Việt Nam được các chuyên gia ngọc học đánh giá là có giá trị tương đương với ruby ở Mogok, Myanmar. Thậm chí trên thị trường quốc tế rất hay nhầm lẫn giữa ruby Lục Yên và ruby ở Mogok.
Ruby ở Lục Yên hoàn toàn không xử lý, do đó những viên đá có giá trị thấp thì bên trong có các tạp chất màu vàng, còn những viên đỏ trong, màu đậm, bé tí như hạt dưa cũng có giá lên tới cả 60 – 70 triệu.