Mở đầu
Ở một số loại đá quý có thể thấy những hiện tượng quang học đặc biệt như các hình ánh sáng được tạo nên bởi các dải ánh sáng phân bố có tính định hướng như hiệu ứng mắt mèo, hiệu ứng sao, các hiệu ứng màu lấp lánh gây ra chủ yếu bởi sự giao thao ánh sáng trên bề mặt viên đá như hiệu ứng cầu vồng, hiệu ứng adularis, anventuris, labradoris, opalis, múa màu, ánh lụa….
Hiệu ứng mắt mèo
Hiệu ứng mắt mèo: xuất hiện ở những viên đá chứa các bao thể dạng kim, que hoặc các ống rỗng rất mảnh nằm song song, hoặc chính bản thân các viên đá là tập hợp các cá thể dạng que, sợi rất mảnh phân bố ánh hẹp song song. Ánh sáng khi chiếu tới bề mặt viên đá sẽ bị phản xạ từ những cá thể nằm song song này, tạo nên một dải ánh sáng hẹp song song với hướng phân bố của các cá thể. Dải ánh sáng thể hiện rõ nhất khi viên đá được mài khum với đáy song song với mặt phẳng chứa các que, sợi. Khi di chuyển nguồn sáng hoặc xoay viên đá, dải sáng cũng chuyển động linh hoạt như con người của mắt, vì thế hiện tượng này được gọi là hiệu ứng mắt mèo.
Hiệu ứng này thể hiện rõ nhất, đẹp nhất ở chrysoberyl, loại quý màu vàng. Hiệu ứng tương tự cũng gặp ở nhiều loại đá khác, nhất là các đá quý thuộc nhóm thạch anh, được gọi là mắt hổ nếu đá có màu lục xám, mắt chim ưng nếu đá có màu lam xám.
Hiệu ứng sao
Hiệu ứng sao: có bản chất tương tự hiệu ứng mắt mèo nhưng có các dải sáng theo nhiều hướng khác nhau: 2,4,6, cá biệt 12 hướng cắt nhau tại một điểm, tạo nên hình ảnh tương tự các tia sáng phát ra từ một ngôi sao. Số sánh sao phụ thuộc vào tính đối xứng của tinh thể đá quý. Nguyên nhân tạo dải sáng cũng do sự phản xạ ánh sáng từ các bao thể dạng kim, que phân bố theo các mặt đối xứng trong tinh thể đá quý.
Hiệu ứng ánh lụa
Hiệu ứng ánh lụa: có bản chất tương tự hiệu ứng mắt mèo nhưng dải sáng rộng, tạo bề mặt mượt mà, lóng lánh, đặc biệt khi viên đá được mài khum.
Hiệu ứng cầu vồng
Hiệu ứng cầu vồng (iridescence) là hiện tượng xuất hiện các màu sắc cầu vồng (ánh xà cừ) trên mặt viên đá do sự giao thoa ánh sáng phản xạ từ các mặt tinh thể dạng tấm mọc ghép song song với nhau, hoặc từ các mặt cát khai của tinh thể, hoặc từ mặt bao thể,…
Hiêụ ứng này có những hình thái khác nhau ở các loại đá quý khác nhau, tương ứng với các tên gọi khác nhau, ví dụ ở tinh thể adula – hiệu ứng adularis, labrado – hiệu ứng labradoris, ánh sáng phản xạ từ các bao thể dạng vẩy trong tinh thể thạch anh – hiệu ứng aventuris, từ các hạt thủy tinh dạng cầu trong opal quý – hiệu ứng múa màu (play of color)…