Định nghĩa
Tinh thể là những chất rắn được cấu tạo bởi những đa diện nhất định. Trên tinh thể có mặt, cạnh và đỉnh của tinh thể. Mặt giới hạn của tinh thể gọi là mặt tinh thể, giao tuyến của hai mặt gọi là canh, giao điểm của các cạnh gọi là đỉnh.
Kích thước của tinh thể rất thay đổi, có những tinh thể rất nhỏ, nhưng có những tinh thể có thể nặng tới hàng tạ. Khi kích thước tinh thể quá nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường thì gọi đó là các vi tinh thể.
Bảy hệ tinh thể trong đá quý
Hệ tinh thể một nghiêng
Tinh thể chỉ có nhiều nhất một trục đối xứng bậc nhất hay một mặt phẳng đối xứng, hoặc đồng thời có cả hai. a≠b≠c; α=γ=90°, β≠90°
Đá quý kết tinh ở hệ một nghiêng: anzurit, charoit, nephrit, lazulit…
Hệ tinh thể ba nghiêng
Tinh thể không có yếu tố đối xứng nào hoặc chỉ có tâm đối xứng. a≠b≠c; α≠β≠γ≠90°
Đá quý kết tinh ở hệ ba nghiêng: amazonit, labrador, kyanit….
Hệ tinh thể trực thoi
Tinh thể có nhiều hơn một mặt phẳng đối xứng hoặc một trục đối xứng bậc hai, không có trục đối xứng cao hơn hai. a≠b≠c; α=β=γ=90°
Các đá quý ở hệ trực thoi: alexandrit, andalusit, chrysoberyl, danbuzit…
Hệ tinh thể ba phương
Tinh thể luôn phải có một trục đối xứng bậc ba, có thể có thêm tâm, mặt và trục đối xứng bậc hai. a1=a2=a3≠c; α=β=90°, γ=120°
Đá quý kết tinh ở hệ ba phương: Thạch anh, canxedon, calcit, ruby, sapphir…
Hệ tinh thể bốn phương
Tinh thể luôn phải có một trục đối xứng bậc bốn, có thể có thêm tâm, mặt, trục đối xứng bậc hai. a=b≠c; α=β=γ=90°
Đá quý kết tinh ở hệ bốn phương: zircon, vezuvian, chalcopyrit, rutil…
Hệ tinh thể sáu phương
Tinh thể luôn phải có một trục đối xứng bậc sáu, có thể có thêm tâm, mặt và trục đối xứng bậc hai. a1=a2=a3≠c; α=β=γ=90°, γ=120°
Đá quý kết tinh ở hệ sáu phương: apatit, aquamarin, emerald, beryl…
Hệ tinh thể lập phương
Tinh thể luôn phải có bốn trục đối xứng bậc ba, có thể có thêm tâm, mặt và trục đối xứng bậc bốn và hai. a=b=c; α=β=γ=90°
Các đá quý kết tinh ở hệ lập phương: Kim cương, granat, flourit, spinel, lapis lazuli…